Bệnh Tay-Chân- Miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một nhóm vi rút đường ruột gây nên, có khả năng lây lan rất nhanh qua tiếp xúc trực tiếp. Đối tượng mắc trực tiếp đa số là trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
1. Phương thức lây truyền
- Bệnh lây từ người này sang người khác do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi họng (ho, hắt hơi), hoặc cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc lên các bề mặt bị nhiễm vi rút như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa, bàn ghế,…
- Thông qua đường tiêu hóa: do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi rút
2. Biểu hiện của bệnh:
- Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ sau đó có thể sốt cao > 38 độ
- Kém ăn, mệt mỏi sưng miệng, nổi ban
- Sau 1-2 ngày có những chấm đỏ hồng có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má.
- Trên da cũng xuất hiện các vết đỏ có thể có bọng nước, không ngứa và nằm ở lòng bàn tay và gan bàn chân.
- Bệnh có thể gây các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hê hô hấp làm trẻ bị suy tim, viêm phổi, giật thần kinh… Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
3. Cách xử trí khi bị bệnh và biện pháp phòng bệnh
- Khi trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ tại nhà trong 10 ngày hoặc cho đến khi hết bóng nước hoặc hết loét trong miệng để tránh lây cho trẻ khác.
- Giảm đau, hạ sốt bằng thuốc Paracetamol nếu có sốt cao > 38,50C
- Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
- Người chăm sóc trẻ cần phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt cần rửa tay trước khi chăm sóc trẻ.
- Đưa đến bệnh viện khi có dấu hiệu sau: Sốt cao, sốt liên tục trên 2 ngày, quấy khóc, li bì, hốt hoảng, đi đứng loạng choạng hoặc run rẩy, yếu tay chân, khó thở, thở không đều, da nổi bỏng.
4. Cách phòng bệnh
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, lau sạch các bề mặt dụng cụ mà trẻ tiếp xúc hàng ngày: đồ chơi, dụng cụ học tập,…với các sản phẩm có chức năng diệt khuẩn (Cloramin B, xà phòng, các chất tẩy rửa thông thường).
- Thực hiện rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm quan trọng: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi cầm nắm đồ vật nơi công cộng (tay vịn cầu thang, tay nắm cửa), sau khi chơi với các con vật ( chó, mèo)
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bệnh cần thông báo ngay cho Trạm y tế và đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.
“ Bệnh Tay - Chân - Miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu,các bậc phụ huynh hãy chú ý đề phòng bệnh cho trẻ. Khi có biểu hiện bệnh, phải kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cách điều trị tốt nhất”.