“Ai trong đời cũng có ước mơ, ước mơ dù nhỏ bé hay vĩ đại, đều là ước mơ. Trong khi bạn bè của con mơ ước sau này được làm bác sĩ, công an, giáo viên………..thì con chỉ có một ước mơ, mà con biết, sẽ không bao giờ thực hiện được, đó là có một NGƯỜI CHA.”- Tôi giật mình khi đọc những dòng đầu tiên trong bài văn viết thư, lật lại xem tên, thoáng một chút bối rối, là cô bé Nguyễn Hà Linh. Ngước nhìn cô bé, tôi không nghĩ gương mặt bầu bĩnh dễ thương, mái tóc ngắn lí lắc, nụ cười tỏa nắng lại ẩn sâu một nỗi buồn sâu thẳm đến vậy…..
Tối mùa thu, gió hiu hiu thổi mang hương hoa sữa phảng phất đâu đây. Bài văn của Linh cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Nhớ lại ngày đầu tiên vào lớp, cô bé không có gì nổi trội so với các bạn, có điều ấn tượng là bạn dám xung phong biểu diễn một tiết mục văn nghệ tặng cô và cả lớp. Thì ra con bé giữ trách nhiệm quản ca của lớp. Thảo nào mà nó tự tin đến vậy, trong khi lũ bạn còn rụt rè, khép lép, cúi mặt xuống bàn, tránh cái nhìn của cô giáo. Kể từ lúc đọc bài văn, tôi lại càng thấy có cảm tình với con bé. Có lẽ đó là tình thương. Bố của Linh đột ngột qua đời từ lúc con còn nhỏ, nên con bé sống với mẹ. Ông bà nội ngoại đều khó khăn, làm ruộng ở quê, không ra thành phố với hai mẹ con được. Cuộc sống vất vả, cơ cực, cộng thêm sự thiếu thốn về tình cảm của bố không quật ngã được ý chí của hai mẹ con. Mẹ cô bé làm nhân viên ở một cửa hàng điện thoại, đồng lương ít ỏi đủ nuôi con ăn học, còn nhà cửa vẫn phải ở nhờ nhà của anh trai. May sao con bé thương mẹ, luôn chăm chỉ học hành, điểm số lúc nào cũng xếp nhất, nhì trong lớp. Ở thiên đàng, hẳn là bố con cũng rất tự hào về con. Trái ngược với dáng người nhỏ nhắn, thì con lại là chỗ dựa vững chắc của mẹ. Hà Linh rất dũng cảm, mạnh mẽ, nhưng rất giàu tình cảm. Ở độ tuổi này, trong khi các bạn đang mải ăn, mải chơi, thì cô bé đã biết cơm nước, giặt quần áo, nhà cửa dọn dẹp tinh tươm,…..
“Con muốn có một người cha, để có người chăm sóc mẹ mỗi lần ốm, để những ngày gió mùa về, hai mẹ con không phải co ro thì lạnh nữa. Con không thích về quê, không phải vì con không nhớ ông bà, mà vì con không muốn nhìn khuôn mặt âu sầu, đau đớn của bà khi mất đi đứa con trai duy nhất”- Tôi không thể ngờ suy nghĩ của con bé lại có thể già dặn như vậy. Không nỗi đau nào bằng với sự mất đi người thân, huống hồ là một người con, người chồng, người cha. Tôi thầm cám ơn mẹ của cô bé, đã dạy con thành một người “con ngoan- trò giỏi”. Cám ơn học trò nhỏ của cô, Hà Linh!