Sách là một kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại và là ánh sáng dẫn bước chúng ta đi đến tương lai. Mác - Lênin đã khẳng định: Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa giúp nâng cao tinh thần năng đọc sách của người Việt, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhân Ngày hội đọc sách Việt Nam, thư viện trường tiểu học Đức Giang xin trân trọng giới thiệu tới các bạn đọc 01 trong số rất nhiều cuốn sách hay trong thư viện nhà trường. Đó là cuốn “Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại” của tác giả Nguyễn Đình Thống, được in với khổ giấy 14,5 x 20,5cm và dày 116 trang, do Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020.
Cuốn sách tái hiện một cách chân thực và vô cùng xúc động về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của một Nữ anh hùng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - người con gái đất đỏ VÕ THỊ SÁU. Cuộc đời và khí phách của chị là một bản hùng ca tạc vào hồn thiêng sông núi.
Với những tình tiết đặc sắc về cuộc đời chiến đấu, hy sinh oanh liệt và những huyền thoại về chị, qua cuốn sách nhỏ này chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động về người nữ anh hùng đã hy sinh thân mình vì độc lập dân tộc của Tổ quốc.
Lật mở từng trang, cuốn sách sẽ dẫn dắt, giới thiệu với chúng ta đi về cuộc đời của chị Sáu. Từ tuổi thơ lam lũ trên quê hương Đất Đỏ Miền Đông giàu truyền thống Cách mạng đến những trận đánh táo bạo của chị cùng đồng đội, cả những thời khắc đối mặt trong nhà tù thực dân đế quốc. Đó là những giây phút hào hùng nhất trong cuộc đời của chị trước lúc hy sinh.
Ngay phần mở đầu của cuốn sách, nội dung: “Sự thăng trầm của một tấm bia mộ” nhằm giải thích cho sự tò mò về ngôi mộ của chị tại nghĩa trang Hàng Dương.
Qua phần 2, tuổi thơ lam lũ trên quê hương Đất Đỏ của chị được nhà văn tái hiện rất chân thực và sinh động. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước. Có những ngày đi chợ cùng mẹ, chợ vắng, chị nhặt những bông hoa Lê Ki Ma sâu thành chuỗi rồi đeo vào cổ. Hình ảnh ấy thật đẹp và thật nên thơ.
Hoạt cảnh: “ Cuộc đời chị Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại” của tập thể lớp 3A3.
Quá trình hoạt động cách mạng của chị được kể lại rất cụ thể trong phần 3 với những tình tiết rất thực. Trong những ngày tháng hào hùng ấy, chị đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao như làm giao liên, mua hàng tiếp tế cho cách mạng. Năm 1948, chị tham gia nhiều trận đánh và trong trận diệt tên Cả Suốt - Cả Đay, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính, không may chị bị sa vào tay giặc. Do chưa đủ tuổi, chị bị giam ở Bà Rịa sau đó chuyển tới nhà giam ở Sài Gòn Chí Hòa.
Phần 4,5,6 là những tái hiện đau thương và bất khuất. Ở nhà giam chị bị chúng đánh đập, cho điện giật, cho rắn độc bò quanh người. Mặc dù bị giặc tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ được khí tiết của người Cộng sản, quyết không khuất phục trước các đợt tra tấn dã man của kẻ thù. Thực dân Pháp bất lực trước người con gái đất đỏ anh hùng, chúng không hề khai thác được bất cứ thông tin gì từ chị.
Ngày 23-1-1952, khoảng 4 giờ sáng, chị Sáu trong bộ bà ba trắng được kết nạp vào Đảng cộng sản VN. Chị được công nhận là Đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay đêm trước khi hi sinh. Từ các trại giam nổi lên những tiếng hô thất thanh vang vọng: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu” “Phản đối, phản đối, phản đối!!!”…
Biết sắp bị hành hình, đêm ấy chị hát suốt đêm cho các bạn tù nghe về những bài ca cách mạng. Rạng sáng hôm ấy, chánh án, đội lính hành quyết, cố đạo Pháp kéo đến đông đủ vì hiếu kì và kinh ngạc khi thấy lần đầu tiên có một người con gái tuổi chưa đến đôi mươi đứng trước cái chết vẫn ung dung mỉm cười. Bọn chúng dẫn chị đi trước, hai tay không bị xích.
Con người ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn lí tưởng để sống. Khi được hỏi: “Cô có ân hận gì trước khi chết không?” Chị khảng khái trả lời: “Tôi chỉ ân hận không tiêu diệt được hết lũ tay sai bán nước”. Rồi chúng dẫn chị đến trước cố đạo tây xin phép được rửa tội cho chị. Chị nói: “Tôi không có tội! Yêu nước không phải là tội. Nếu cha muốn rửa tội thì xin cha hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây!”
Rồi chúng dẫn chị ra pháp trường. Chúng định bịt mắt chị lại. Chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy Để cho tôi thấy quê hương đất nước tôi lần cuối cùng”. Chị nhìn thẳng về phía họng súng của kẻ thù hô to:
“ Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có những người như chân lí sinh ra.
Chị Sáu không còn nữa nhưng tên tuổi của chị đã đi vào lịch sử và trở thành bất tử. Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của chị đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam phấn đấu học tập và noi theo.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã thay mặt hàng triệu con người Việt Nam bày tỏ lòng tự hào, biết ơn trước sự hi sinh và lý tưởng sống cao đẹp của chị qua bài hát: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Bài hát múa đã được cô trò 3A3 thể hiện thật xúc động qua màn hát múa “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Ban giám hiệu nhà trường cùng các cô - trò trong Ngày hội đọc sách
Buổi tuyên truyền Giới thiệu sách Tháng 4 của tập thể lớp 3A3 khép lại thật sôi động và càng ngập tràn ý nghĩa hơn khi được nhà trường tổ chức lồng ghép trong Ngày hội đọc sách 21/4 năm nay, với rất nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm tôn vinh các giá trị của sách, tạo thói quen đọc sách cho các em học sinh, hướng tới việc củng cố, xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách trong nhà trường.
Cuốn sách hiện đang có tại thư viện trường tiểu học Đức Giang. Kính mời các bạn và các em học sinh cùng tìm đọc nhé!