Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng hoa cho đất
Mà nở cho đời những đóa hoa thơm
Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) thư viện trường tiểu học Đức Giang xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh cuốn sách “Tôi đi học” của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Cuốn sách được Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2022, sách dày 171 trang, in trên khổ giấy 14,5 x 20,5 cm.
Cuốn sách được thiết kế với màu chủ đạo là màu trắng tinh khôi. Nổi bật ở chính giữa cuốn sách là hình ảnh một cậu bé đang dùng đôi bàn chân của mình nắn nót tập viết chữ bên một khung cảnh hết sức thân quen của làng quê Việt Nam. Đó chính là bức chân dung của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cũng chính là tác giả của tự truyện lúc còn nhỏ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28-06-1947 tại Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Hồi ký “Tôi đi học” kể lại về tuổi thơ bất hạnh nhưng cố gắng vươn lên vượt qua nghịch cảnh để đến với thành công của người thầy “tàn nhưng không phế”. Mở đầu cuốn sách có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký: “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm, Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt. Có như vậy đất nước ta mới sớm vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ mong muốn”.
Lật mở từng trang sách, chúng ta sẽ cùng nhau đi qua 39 câu chuyện về chính cuộc đời tác giả. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân ông và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa.
Ý chí kiên nhẫn, bền bỉ, ngày nắng cũng như ngày mưa, dù người mệt mỏi, ngón chân đau nhức, có lúc chân bị chuột rút liên hồi nhưng Ký không nản lòng. Buổi học nào cũng vậy, trong góc lớp trên mảnh chiếu nhỏ không bao giờ vắng mặt Nguyễn Ngọc Ký. Nhờ luyện tập kiên trì Ký đã thành công, hết lớp một, Ký đã đuổi kịp các bạn, chữ viết ngày một đều hơn, đẹp hơn, học càng ngày càng giỏi. Sau này, cậu thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp và đã xuất sắc tốt nghiệp ngành Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn. Ông trở về quê dạy học và trở thành nhà Nhà giáo ưu tú năm 1992. Nguyễn Ngọc Ký - một tấm gương sáng ngời vì nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với tấm lòng trân trọng, ngưỡng mộ và cảm phục.
Người thầy ấy một con người
Vượt lên số phận xây đời đẹp tươi
Tật nguyền vẫn nở nụ cười
Thành người có ích góp đời niềm tin
Bằng tất cả sự quyết tâm, thầy đã dùng đôi chân viết nên cuộc đời thầy như một huyền thoại. Chính tinh thần không ngại vượt khó, trong cái khó không bỏ lỡ mà quyết tâm khắc phục tật nguyền của thầy đã tạo cảm hứng cho rất nhiều thế hệ bạn đọc về tinh thần hiếu học. Không chỉ là những nỗ lực và tinh thần ham học hỏi đã tôi rèn nên Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, mà những trang cuối cùng của tự truyện thầy đã dồn nén những cảm xúc về lòng biết ơn quê hương đất mẹ, biết ơn Đảng, cha mẹ, thầy cô, láng giềng để kết lại một quyển sách đẹp.
Cuốn sách “Tôi đi học” còn hấp dẫn người đọc bởi ngôn từ mộc mạc, giản dị trên những câu chuyện, trải nghiệm thật của người cầm bút tạo nên một cảm giác thật gần gũi. Qua cuốn sách của mình nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký gửi gắm với bạn đọc trẻ hôm nay một thông điệp: "Hãy đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí". Cuốn sách đã mang lại cho chúng ta những bài học thật bổ ích phải không các em? Hy vọng, tấm gương vượt khó của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sẽ là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta cùng nhau quyết tâm vượt qua mọi thử thách để đạt được nhiều thành tích cao trong năm học mới.
Dưới đây là một số tiết hình ảnh Giới thiệu sách trong buổi sinh hoạt dưới cờ của tập thể lớp 4A4.