Hơn 31 năm dạy học, đã từng dạy đủ các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng như một định mệnh, tôi đã dừng chân và gắn bó ở khối lớp Bốn lâu năm nhất. Lúc đầu, tôi rất ác cảm với con số 4. Nhưng càng dạy ở khối Bốn, tôi lại càng hiểu hơn về ý nghĩa của con số 4: 4 là bốn phương tụ hội. Sở dĩ tôi phải vòng vèo như vậy là bởi tôi muốn nói đến một cái duyên: hễ ai vào khối 4 trường tôi là đều muốn ở lại, không muốn chuyển đi các khối khác. Tất nhiên việc đi hay ở là do sự phân công chuyên môn của Ban giám hiệu nhà trường. Nhưng nói không chủ quan, thực tâm ai cũng muốn gắn bó với tổ 4 chúng tôi. Bởi tổ 4 đã tạo nên được một thương hiệu, một bản sắc: sống thẳng thắn, chan hòa, đoàn kết, gắn bó, yêu thương giúp đỡ nhau như một gia đình.
Tôi muốn nói về đại gia đình tổ 4 - nơi hội tụ những gương mặt đã trở nên quá đỗi thân thương với tôi: nào Anh Châm, nào Tú Oanh, nào Thúy Hằng, nào Thương… Và giờ đây là Cẩm Lệ, là Phạm Phượng, là Phan Nga, là Thu Hà; Ngọc Mai… Tất cả chúng tôi, điểm mạnh có, điểm yếu cũng nhiều nhưng chúng tôi đã hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tạo nên một khối thống nhất, trên dưới một lòng cùng làm tốt công việc chuyên môn và giúp nhau trong cuộc sống.
Người đầu tiên tôi muốn kể đến, không ai khác đó chính là người chị cả Lí Thị Anh Châm, linh hồn của tổ. Chị là “chị cả” đúng nghĩa cả về tuổi tác lẫn chuyên môn. Trong tổ, hễ ai gặp khó khăn, vướng mắc gì, tất tật đều hỏi “u” Châm (cô Châm, chị Châm). Trong giờ dạy, giờ ăn bán trú, giờ nghỉ trưa, bất cứ lúc nào, chúng tôi cứ vướng là tìm ngay đến chị để hỏi. Được cái, chúng tôi hỏi khi nào, chị trả lời ngay khi đó, chẳng cần tìm kiếm sách vở, tài liệu gì hết. Bởi chị đúng là cái kho từ điển sống của chúng tôi. Tính chị thẳng, có phần “hơi gàn” như chị tự nhận nhưng không vì thế mà chúng tôi giảm bớt đi sự kính trọng và ngưỡng mộ chị. Giờ chị đã nghỉ hưu, không còn ngày ngày kề vai sát cánh với chúng tôi nhưng như một hậu phương vững chắc phía sau, chị vẫn hỗ trợ chuyên môn cho chúng tôi bằng vốn kinh nghiệm phong phú của mình, và trên hết là cả tấm lòng yêu thương của chị dành cho tổ 4 chúng tôi.
Một gương mặt mà giờ đây không còn là thành viên tổ 4 đã mấy năm rồi nhưng sự có mặt của em cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo nên thương hiệu của tổ. Em là một cô giáo trẻ. Tôi nhận thấy ở em sự nghiêm túc, say mê với nghề. Em rất chăm chỉ trong công việc. Những việc trong khả năng của mình, em luôn xung phong làm cho cả tổ, không ngại khó, ngại khổ. Còn trong chuyên môn, em thực sự là người ham học hỏi và biết lắng nghe. Để dạy bài khó hằng ngày hay lên một tiết chuyên đề, hội giảng, bao giờ em cũng soạn bài rất tỉ mỉ. Sau đó em nhờ tôi xem bài và chỉ ra những ưu, nhược điểm để bổ sung. Em nắm bắt ý tưởng nhanh lại chịu khó nghiên cứu, tìm tòi nên khả năng chuyên môn ngày càng tiến bộ. Em đã trưởng thành từ tổ 4 và tôi tin em sẽ vững vàng trong vai trò mới của mình. Em là cô giáo Ngô Thị Thúy Hằng.
Nguyễn Lệ Giang Thương, cái tên thật ấn tượng với chúng tôi. Thương là cô giáo trẻ nhất tổ trong hai năm học, từ 2019- 2021. Về với gia đình tổ 4, những ngày đầu còn ngại ngần, mặc cảm, vậy mà chỉ ít lâu sau, em đã vào guồng quay với tổ một cách nhịp nhàng. Trẻ cả tuổi đời, tuổi nghề nhưng cô giáo Thương lại giỏi công nghệ thông tin. Đây chính là thế mạnh mà em đã không ngại ngần giúp đỡ các thành viên trong tổ khi làm PP bài dạy. Trong giảng dạy cũng như trong công tác quản lí, Thương có nhiều sáng tạo đến bất ngờ. Không vì thế mà em không khiêm tốn học hỏi các cô, các chị trong tổ về cách truyền đạt kiến thức, về công tác chủ nhiệm. Trong đời sống, em nhường nhịn, dễ mến. Vì thế mà cả tổ luôn coi em như em út trong gia đình.
Đã hai năm nay, em gắn bó với tổ 4 chúng tôi. Thoạt đầu tiếp xúc, em không phải là người dễ gây thiện cảm. Những ngày đầu tiên, cả tổ chúng tôi đã phải “cảnh giác” vì em có cá tính khác biệt. Thế rồi sau một thời gian làm việc cùng nhau, thấu hiểu về nhau, chính em là người đã chỉ cho chúng tôi những kinh nghiệm quý về công tác chủ nhiệm, về giảng dạy chuyên môn. Ở em có những cách làm việc, cách xử lí tình huống với phụ huynh, với học sinh thật hiệu quả. Đúng là mỗi người có một điểm mạnh, một cá tính nên không thể “trông mặt mà bắt hình dong”. Chúng tôi đã biết phối hợp để phát huy thế mạnh của mỗi người và cùng làm tốt nhất công việc được giao. Đó cũng là mong muốn của cả tổ cũng như của em, cô giáo Phạm Thị Phượng.
Còn em, cô giáo Nguyễn thị Cẩm Lệ, một cô giáo đầy tài năng. Em nhanh nhẹn, nhiệt huyết, sẵn lòng giúp đỡ mọi người không chỉ trong tổ mà toàn bộ giáo viên trong trường. Ai khó khăn, vướng mắc về CNTT hay về chuyên môn, nếu đã nhờ em đều nhiệt tình giúp đỡ. Có những hôm em phải về rất muộn để giúp những giáo viên có tuổi như tôi làm PP. Trong giao tiếp, ứng xử, em là người cởi mở, hòa nhã. Nếu trong tổ có ai đó một phút bốc đồng, nóng giận thì em chính là một nốt trầm làm dịu đi sự căng thẳng bức xúc đó. Công việc của tổ chẳng bao giờ phải đợi phân công, em thường tự giác, xung phong làm những việc phù hợp, đúng sở trường của mình. Em còn luôn nhận phần thua thiệt cho bản thân, không một lời so bì, tị nạnh. Chính tinh thần đó của em đã cảm hóa được tất cả các thành viên trong tổ. Và cũng rất tự nhiên, từ lúc nào chẳng rõ, tinh thần ấy đã trở thành tinh thần tổ 4: tự giác nhận việc phát huy thế mạnh của mỗi người. Vì thế, khi phải hoàn thành nhiệm vụ chung nào đó, tôi chẳng bao giờ phải phân công, mà mỗi thành viên cứ lần lượt tự nhận nhiệm vụ của mình. Bởi vậy, mỗi buổi sinh hoạt chung của tổ luôn đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Và em chính là điểm tựa của tổ 4 chúng tôi.
Năm học 2021- 2022, tổ 4 chúng tôi có rất nhiều sự thay đổi. Những thành viên gắn bó thân thiết với nhau đã vơi đi một nửa. Hẳn trong tâm chúng tôi ai cũng buồn vì sự thay đổi chẳng mong đợi này. Nhưng cuộc sống là vậy, luôn biến động không ngừng. Bổ sung vào khoảng trống thiếu hụt của tổ là ba thành viên mới tuổi còn trẻ. Những ngày đầu, tổ chúng tôi không tránh khỏi những chệch choạc, khó khăn. Rồi những khó khăn cũng dần được tháo gỡ với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực từ phía Ban giám hiệu nhà trường. Các bạn trẻ cũng nhanh chóng thích nghi với phong cách làm việc của tổ. Họp tổ zoom, dạy học cũng zoom nhưng chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung nên công việc mỗi ngày càng trở nên thuận lợi. Các bạn trẻ, mỗi người một thế mạnh. Phan Nga chăm chỉ, cẩn thận, trau chuốt từng câu, từng chữ trong PP bài dạy. Cháu sẵn sàng nhận việc để cố gắng tự làm chứ không muốn mọi người hỗ trợ với lí do con nhỏ. Những gì không hiểu, chưa biết, cháu luôn khiêm tốn học hỏi, tìm tòi để giải đáp. Chỉ trong thời gian ngắn mà tôi đã thấy được sự tiến bộ từng ngày của cháu. Còn cô bé Thu Hà xinh xắn thật đáng yêu. Với Hà đây là năm đầu tiên đứng lớp cũng là năm học phải dạy trực tuyến với bộn bề khó khăn, vất vả. Vậy mà cô bé đầy ý chí, nghị lực và lòng yêu nghề ấy không hề nản chí. Cháu miệt mài soạn giảng, xây dựng PP, học hỏi ở các cô, các chị từng li từng tí. Nhiều đêm đã khuya, cháu vẫn cùng tôi thảo luận, trao đổi để sửa PP, giáo án chi tiết cho từng tiết dạy. Cháu giỏi CNTT, lại tinh ý, khéo léo nên nắm bắt nhanh vấn đề trao đổi để thể hiện đúng ý tưởng trong PP dạy học. Có lẽ vì vậy mà cháu đã khiến tôi thực sự bất ngờ khi dự tiết chuyên đề do cháu thực hiện. Cháu chững chạc, vững vàng, làm chủ tiết dạy, truyền đạt kiến thức mạch lạc, trọng tâm. Đúng là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đang sục sôi nơi cháu. Chính nguồn năng lượng ấy đã thôi thúc thế hệ giáo viên có tuổi như chúng tôi bớt đi sự trì trệ. Không những thế, cháu còn rất quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ các cô, các chị trong tổ. Chả thế mà, mọi thành viên trong tổ đều yêu quý cháu.
Còn tôi, người thuyền trường cũ của tổ 4, tôi tự nhận là mình chẳng có gì đặc biệt nhưng các chị em trong tổ thường nói tôi có tất cả những ưu điểm mà từng thành viên trong tổ tôi có. Tôi không dám nhận điều đó. Nhưng mỗi thành viên trong tổ 4 chúng tôi đều là những người “Gần đèn thì rạng”
Nhìn về thế hệ tương lai của tổ 4 mà lòng tôi giấy lên một niềm vui, một niềm tin mãnh liệt. Chính các em, các cháu là tương lai của tổ, sẽ tiếp nối và phát huy tốt tinh thần đoàn kết, yêu thương, hết lòng vì công việc của tổ 4 nói riêng, của trường nói chung. Tổ 4 chúng tôi, già có, trẻ có, mỗi người một tính nhưng chúng tôi đã biết yêu thương chân thành, giúp đỡ nhau trong công việc, trong cuộc sống để cuộc sống này thêm ý nghĩa. Bởi vì chúng tôi đều biết nhìn vào điểm tích cực của nhau để đồng hành cùng nhau. Chúng tôi, mỗi người một mảnh ghép tạo nên đại gia đình tổ 4 yêu thương. Và mỗi chúng tôi luôn tự hào là thành viên của tổ 4, sẽ luôn chia sẻ những “đắng, cay, ngọt, bùi” để cùng nhau mang niền vui tới mọi người cũng như cho chính mình như Bernard Shaw đã viết “Hạnh phúc như là nước hoa, bạn không thể vẩy lên người khác mà không làm vương vài giọt lên chính mình.”
Dưới đây là hình ảnh các thành viên tổ 4:
Cô giáo: Lý Thị Anh Châm – cô giáo được coi là : từ điển sống” của cả tổ
Hình ảnh các thành viên tổ 4 trong trang phục áo dài dự thi: Duyên dáng áo dài - Giáo viên TH Đức Giang nhân dịp chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam.
TÁC GIẢ
NGÔ THỊ VÂN LINH