Năm học mới 2018- 2019, thầy trò trường Tiểu học Đức Giang vui mừng dọn về “ngôi nhà mới” khang trang, hiện đại vẫn ở trên con phố quen thuộc: phố Đức Giang. Niềm vui ấy lấp lánh trong từng ánh mắt, khóe môi của thầy, của trò trường chúng tôi. Vui là thế nhưng mỗi cán bộ, giáo viên , nhân viên nhà trường vẫn ý thức rõ trách nhiệm nặng nề mà cũng rất đáng tự hào của mình: nhiệm vụ trồng người. Cũng chính vì vậy mà năm học 2018- 2019, Ban giám hiệu nhà trường đã đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học và xứng đáng với niềm tin yêu của PHHS. Thực hiện kế hoạch năm học 2018-2019,tổ chuyên môn 4 chúng tôi tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn là mỗi buổi thảo luận, trao đổi rất sôi nổi giúp chúng tôi trau dồi chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau. Cũng qua các buổi sinh hoạt chuyên môn mà tình cảm chị em đồng nghiệp chúng tôi càng thêm gắn kết.
Năm học này, các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ tập trung vào nội dung đổi mới phương pháp và mạnh dạn áp dụng kĩ thuật dạy học mới. Vì vậy, ngay sau khi cô giáo Oanh , thành viên trong tổ tham dự chuyên đề Quận tại trường Tiểu học Đoàn Kết về, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cô Vinh, phó hiệu trưởng nhà trường, tổ 4 chúng tôi đã phân công cô giáo Oanh dạy chuyên đề Địa lí áp dụng kĩ thuật dạy học " nhóm chuyên gia".
Để chuẩn bị cho tiết chuyên đề Địa lí, cả tổ đã có buổi sinh hoạt chuyên môn xây dựng chuyên đề, bàn về việc áp dụng kĩ thuật "nhóm chuyên gia" trong tiết dạy. Mọi ý kiến trao đổi, thắc mắc đều xoay quanh nội dung: áp dụng kĩ thuật này vào hoạt động nào trong bài Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ( tiếp theo) và chúng tôi đã thống nhất áp dụng vào hoạt động 3: Nơi có hàng trăm nghề thủ công truyền thống. Nội dung định hướng cho các chuyên gia về tìm hiểu : Vì sao đồng bằng Bắc Bộ là nơi có hàng trăm nghề thủ công truyền thống? Vì sao Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công nhất cả nước? Trên tinh thần xây dựng đã thống nhất, cùng với năng lực chuyên môn và lòng nhiệt huyết với nghề, ngày 26/12, cô giáo Oanh đã thực hiện thành công chuyên đề Địa lí: Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ( tiếp theo). Thành công của tiết dạy không chỉ ảnh hưởng tích cực tới tinh thần, thái độ học tập của học sinh: các em yêu thích môn học, say mê tìm hiểu kiến thức qua hình thức tự tìm hiểu mà còn giúp cho chính chúng tôi nâng cao năng lực chuyên môn. Cũng trong chính buổi rút kinh nghiệm tiết chuyên đề của cô giáo Oanh, chúng tôi còn được lắng nghe những ý kiến chỉ đạo sâu sát về sinh hoạt chuyên môn, về phương pháp dạy học chuyên gia từ cô Vinh, cô Thu- Ban giám hiệu nhà trường.
Các bước thực hiện kĩ thuật nhóm chuyên gia:
Nêu chủ đề;
Giới thiệu chuyên gia (nếu cần);
Đề nghị người học đặt câu hỏi;
Thu thập câu hỏi;
Trả lời các câu hỏi;
Giáo viên tổng kết.
Cách thức tiến hành:
Nêu chủ đề
◆ Nêu rõ mục đích của cuộc trao đổi;
◆ Làm rõ nội dung cần trao đổi;
◆ Định hướng để người học thấy cần thiết và muốn hỏi về chủ đề nêu ra.
Giới thiệu chuyên gia (nếu cần):
◆ Chuyên gia có thể là chính người học trong lớp có kiến thức chuyên sâu đặc biệt nhấn mạnh về khả năng chuyên sâu của chuyên gia trong lĩnh vực mà người học đang quan tâm và cần được giải đáp.
Chuyên gia sẵn sàng giải đáp
Đề nghị người học đặt câu hỏi: Giáo viên giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho người học khi yêu cầu họ đặt câu hỏi như:
◆ Chủ đề
◆ Số lượng câu hỏi
◆ Thời gian suy nghĩ đặt câu hỏi
◆ Ghi câu hỏi vào đâu?
◆ …
Sau đó người dạy hiển thị những yêu cầu này lên bảng, lên giấy để người học quan sát. Người dạy có thể yêu cầu tất cả các thành viên trong lớp đặt câu hỏi. Nếu lớp đông thì chia lớp thành nhiều nhóm và yêu cầu từng nhóm đặt câu hỏi.
Thu thập câu hỏi:
◆ Khuyến khích người học viết câu hỏi vào giấy và chủ động ghim, dán các câu hỏi ấy lên bảng.
◆ Giáo viên phân loại, sắp xếp các câu hỏi theo từng nhóm vấn đề để xác định các lĩnh vực mà người học quan tâm. Sau đó, chuyên gia sẽ trả lời theo từng nhóm vấn đề, tránh trả lời nhiều lần cùng một vấn đề.
Trả lời các câu hỏi:
◆ Phần trả lời cần ngắn gọn, đúng trọng tâm.
◆ Làm chủ thời gian, không sa đà vào thuyết trình.
◆ Sau mỗi câu trả lời, người dạy nên hỏi lại người học xem còn điều gì chưa rõ không.
◆ Nên đánh dấu vào câu đã trả lời xong để tránh nhầm lẫn với câu chưa trả lời.
◆ Có thể nhờ một người học hoặc chính giáo viên (khi giáo viên không phải chuyên gia) ghi tóm tắt các câu trả lời của chuyên gia lên một chiếc bảng khác hoặc lấy giấy khổ lớn để cả lớp có thể theo dõi tiến trình giải đáp hay ghi chép lại.
Giáo viên tổng kết:
◆ Giáo viên tổng kết ngắn gọn, khái quát lại các câu hỏi và câu trả lời.
◆ Giáo viên dẫn dắt vào nội dung tiếp theo của bài giảng.
Ưu điểm và hạn chế:
Ưu điểm:
Đây là phương pháp có sức thuyết phục cao. Người học sẽ được giải đáp vấn đề một cách thỏa đáng cả về lý luận và thực tiễn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực mà học quan tâm. Hơn nữa, chuyên gia chỉ tập trung vào những vấn đề mà người học cần hiểu rõ và sâu hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian.
Hạn chế:
◆ Vì thời lượng có hạn nên có thể những câu hỏi cần phải giải đáp nhưng chưa được đặt ra.
◆ Người học có thể đưa ra những câu hỏi không liên quan đến chủ đề.
◆ Có thể có một số câu hỏi được tập trung giải đáp rất kỹ trong khi nhiều câu hỏi khác bị bỏ qua.
Một số lưu ý khi thực hiện:
◆ Chủ đề để người học đặt câu hỏi không được quá rộng hay quá hẹp. Chủ đề nên là một đề tài chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thưc cho người học chứ không nên nhằm cung cấp kiến thức cơ bản.
◆ Phải chắc chắn rằng người học đã có một số hiểu biết nhất định về vấn đề được nêu ra (nếu đó là một đề tài hoàn toàn xa lạ, người học sẽ không biết hỏi gì hoặc sẽ đưa ra những câu hỏi không thiết thực).
◆ Cần khống chế số lượng câu hỏi. Vì trong một khoảng thời gian được sắp xếp trong kế hoạch bài giảng thì “chuyên gia” chỉ có thể trả lời một số câu hỏi nhất định. Điều đó cũng đặt người học trước yêu cầu phải cân nhắc trong việc lựa chọn những câu hỏi thật xác đáng, giúp mình có cơ hội mở mang và đào sâu kiến thức, những câu hỏi mình thực sự cần được giải đáp.
◆ Giáo viên phải chủ động trong việc điều khiến buổi học.
◆ Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi loại hình lớp học nhưng không nên áp dụng nhiều lần trong một buổi học.
Sau đây là một số hình ảnh trong tiết chuyên đề và bài dạy của cô giáo Tú Oanh.