Ngày Dân số Việt Nam ra đời xuất phát từ Quyết định 326/TTg, do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 19/5/1997, tại Quyết định số 326, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 26/12 hằng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. Như vậy thì tại sao ngày 26/12 được chọn làm ngày dân số Việt Nam?
Vào những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, giữa lúc đất nước đang có chiến tranh và bị chia cắt làm hai miền, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước. Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta đã dành được những thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội vào những năm 1955 - 1957.
Tuy nhiên, từ năm 1958 trở đi sản lượng lương thực giảm trong khi tốc độ tăng dân số lại nhảy vọt từ 1,1% (1954) lên 3,93% (1960). Trong bối cảnh nói trên, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 216/CP, về việc sinh đẻ có hướng dẫn, xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một văn bản đánh dấu sự ra đời của công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai thực hiện ở nước ta. Ngày 26/12/1961 là ngày ban hành một quyết định mang tính chất hết sức quan trọng, đánh dấu cho những bước đi đầu tiên của công tác dân số và hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ trong cả nước. Quyết định 216-CP là quyết định mang tính nhân văn hết sức sâu sắc. Quyết định nêu rõ mục tiêu của việc hướng dẫn sinh đẻ là vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận gia đình, để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp.
Các giải pháp, bước đi thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu trên là huy động các Bộ, Ngành, Đoàn thể phối hợp, có sự phân công thống nhất trong hành động thực tiễn nhằm xã hội hóa công tác hướng dẫn sinh đẻ và việc chú trọng vận động tuyên truyền của các đoàn thể quần chúng kết hợp với cung cấp dịch vụ thực hiện sinh đẻ có hướng dẫn một cách dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu là tổ chức thực hiện việc hướng dẫn sinh đẻ trong cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội, sau đó sẽ rút Kinh nghiệm và dần dần mở rộng trong nhân dân
Từ văn bản đầu tiên là Quyết định 216-CP, ngày 26/12/1961, sau này các văn bản mang tính toàn diện hơn được ban hành kịp thời giúp cho việc triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả cao như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 14/01/1993, rồi đến Chiến lược Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000. Sau đó là Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 ban hành ngày 22/12/2000, Pháp lệnh Dân số năm 2003, Nghị quyết 47/NQ-TW, ngày 22/3/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Pháp lệnh 08 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số và Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) vừa qua đã ban hành về Công tác Dân số trong tình hình mới. Đây là hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả.
Có thể nói rằng!
Đã hơn 55 năm qua, kể từ ngày ban hành văn bản đầu tiên về công tác dân số và kỷ niệm 20 năm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, năm 2017 chúng ta tiến hành tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam với chủ đề: “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.
Việt Nam là đất nước đông dân đứng thứ 13 trên Thế giới và thứ 3 ở khu vực Đông nam Á, hàng năm Việt Nam vẫn có hàng triệu trẻ em được sinh ra. Mặc dù chất lượng dân số đã được cải thiện đáng kể, song chất lượng dân số nước ta vẫn còn ở mức thấp, chỉ sổ HDI xếp thứ 105/177, tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ vẫn còn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong dân số (chiếm khoảng 1,5% dân số), trong đó số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm từ 1,5-3% và có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu, và tỉnh ta cũng không nằm ngoài thực trạng này.
Chính vì vậy, định hướng chương trình của Việt Nam là thử nghiệm và nhanh chóng mở rộng những can thiệp về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hoá, di truyền, nội tiết ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể lực và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.
Thực hiện chủ trương trên nhằm nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, từ đầu những năm 2000, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây, nay là Bộ Y tế đã triển khai nghiên cứu và bước đầu thí điểm việc sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ - TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tổng kết các hoạt động thí điểm, đã xây dựng hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh thành đề án và triển khai ở cấp quốc gia.
Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được triển khai từ năm 2007 tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh ta do Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ - TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật. qua đó nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển đổi hành vi về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời thiết lập mạng lưới rộng khắp để triển khai các hoạt động tư vấn và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu cao nhất của người dân về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Việc triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh là cách tiếp cận đúng hướng, thiết thực đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng dân số nước ta nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Đặc biệt đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ khi sinh bị dị dạng, dị tật và tỷ lệ trẻ được can thiệp điều trị sớm các bệnh, tật bẩm sinh. Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn và giá trị về tinh thần cho các gia đình và xã hội.
Hưởng ứng các hoạt động nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 là dịp để chúng ta tăng cường cam kết của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ từ năm 1961 đến nay, đó là: ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Chí Đại